Toàn cảnh hội nghị
Đến dự Hội nghị có ông Lê Văn Ngọc - Phó phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, Ban Tổ chức Đảng ủy Khối doanh nghiệp trung ương, ông Mai Xuân Thái - Vụ phó Vụ đổi mới doanh nghiệp Văn phòng Chính phủ, ông Phạm Văn Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban).
Về phía SCIC, tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Chí Thành - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên; đồng chí Nguyễn Quốc Huy - Phó Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc, cùng các đồng chí trong HĐTV, Ban Giám đốc, Ban Kiểm soát và 179 người đại diện vốn của SCIC tại 113 doanh nghiệp có vốn SCIC.
Tại Hội nghị, đồng chí Đinh Việt Tùng, Phó Tổng Giám đốc SCIC báo cáo: Tính đến ngày 31/8/2023, danh mục đầu tư của SCIC bao gồm 113 doanh nghiệp, với tổng vốn theo giá trị sổ sách là 49.353 tỷ đồng, trên tổng số vốn điều lệ là 168.121 tỷ đồng, trong đó có 16 Tổng công ty và 1 Tập đoàn. Tổng số người đại diện phần vốn của SCIC tại doanh nghiệp là 179 người.
Đồng chí Đinh Việt Tùng, Phó Tổng Giám đốc SCIC trình bày báo cáo tại Hội nghị
SCIC luôn xác định người đại diện có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý vốn đầu tư của SCIC tại doanh nghiệp, vì vậy, công tác người đại diện thường xuyên được SCIC ưu tiên. SCIC cũng xác định trách nhiệm của mình trong việc hỗ trợ người đại diện đảm nhận tốt công việc. Quy chế Người đại diện, các công cụ hỗ trợ tiện ích khác như Sổ tay hướng dẫn biểu quyết, Bộ quy tắc quản trị doanh nghiệp, các hội thảo cập nhật chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và kết nối doanh nghiệp thường được SCIC tổ chức đã hỗ trợ cho người đại diện và các doanh nghiệp, giúp các công ty cập nhật nhiều quy định pháp luật mới. Đặc biệt, SCIC thống nhất cao việc các doanh nghiệp áp dụng thông lệ quản trị hiện đại vào hoạt động, chuyển đổi số, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển… Điều này tạo ra động lực mới ở nhiều doanh nghiệp, có thêm các không gian sản xuất, kinh doanh, nhờ đó vượt qua những cơn gió ngược từ môi trường kinh doanh đang có nhiều khó khăn.
Cũng nhờ sự năng động của người đại diện trong việc tìm kiếm thị trường mới, tiết giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, một số doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân cao trên 20% trong năm 2022 như: CTCP Viễn thông FPT (31,7%), CTCP Sữa Việt Nam (30,5%), Tổng công ty Sông Đà – CTCP (23,53%), CTCP Tracimexco (20,06%)...
Nhiều doanh nghiệp có doanh thu hoàn thành vượt mức kế hoạch kinh doanh hằng năm, điển hình như: CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, CTCP Traphaco, CTCP Xuất nhập khẩu Y tế Domesco, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà – CTCP, Tổng công ty Thủy sản Việt Nam – CTCP, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam…
Nhìn rộng hơn, với sự nỗ lực của SCIC và hệ thống người đại diện, phần lớn doanh nghiệp trong danh mục của SCIC hoạt động hiệu quả, tổng nguồn thu cổ tức lũy kế từ khi thành lập SCIC đến nay đạt trên 47.842 tỷ đồng.
Về công tác quản trị, tái cơ cấu và xử lý tồn tại của một số doanh nghiệp, Người đại diện triển khai thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp và xử lý tồn tại phát sinh tại doanh nghiệp theo chỉ đạo của SCIC. Thông qua Người đại diện, SCIC tiếp tục tập trung thực hiện các biện pháp quản trị thông qua vai trò cổ đông nhà nước, tái cơ cấu để nâng cao hiệu quả hoạt động, xử lý tồn tại phát sinh tại các doanh nghiệp trong danh mục, đặc biệt là các Tập đoàn, Tổng công ty có quy mô vốn lớn, có tình hình tài chính còn nhiều khó khăn, vướng mắc như: Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex); Tổng công ty Thép Việt Nam, Tổng công ty Sông Đà, Bệnh viện Giao thông vận tải... Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Tổng công ty thực hiện xử lý 02 dự án kém hiệu quả trong 12 dự án thuộc ngành Công Thương, gồm: (i) Đề án tái cơ cấu hoạt động CTCP Gang Thép Thái Nguyên (Tisco). (ii) Đề án tái cơ cấu Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM).
Về công tác bán vốn, trong bối cảnh thị trường không thuận lợi, có nhiều biến động, Người đại diện đã phối hợp tốt với SCIC xử lý các tồn tại, hỗ trợ đơn vị tư vấn để triển khai thẩm định giá, xây dựng hồ sơ bán vốn, giới thiệu nhà đầu tư, tạo điều kiện tốt để bán vốn thành công.
Trong bối cảnh môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi, từ thực tế hoạt động của các doanh nghiệp và qua trao đổi với người đại diện, năm nay, SCIC đã ban hành các quy định mới về quy chế người đại diện vốn, nhằm tạo ra không gian chủ động cho các doanh nghiệp trong việc ra quyết định, đồng thời tăng cường tính chuyên nghiệp, chịu trách nhiệm ở người đại diện.
Chủ tịch HĐTV SCIC Nguyễn Chí Thành và Tổng giám đốc SCIC Nguyễn Quốc Huy trao tặng bằng khen cho những Người đại diện có thành tích xuất sắc
Để kịp thời ghi nhận những thành tích của cá nhân trong công tác đại diện vốn năm 2022, căn cứ các tiêu chí đánh giá, khen thưởng người đại diện, Hội đồng thi đua khen thưởng SCIC đã tổ chức họp đánh giá, bình xét khen thưởng đối với Người đại diện và trình cấp có thẩm quyền quyết định khen thưởng và trao bằng khen cho những Người đại diện có thành tích xuất sắc.
Đồng chí Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp UBQLV phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Phạm Văn Sơn, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Ủy ban đánh giá công tác người đại diện của SCIC thời gian qua đã đạt những kết quả tích cực. Trong thời gian tới, tình hình kinh tế Việt Nam cũng như thế giới dự đoán gặp nhiều khó khăn, để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác người đại diện, đồng chí yêu cầu SCIC và Người đại diện cần tăng cường phối hợp chặt chẽ để cùng vượt qua, mang lại nhiều kết quả đáng kỳ vọng.
Đồng chí Nguyễn Chí Thành, Chủ tịch HĐTV SCIC phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch SCIC Nguyễn Chí Thành nhấn mạnh, trong gần 20 năm qua, SCIC đã có những đổi mới đáng kể trong công tác người đại diện. Tổng công ty đã luôn lắng nghe ý kiến, đề xuất của người đại diện, từ đó có những tổng hợp, cập nhật phù hợp thực tế và đạt được sự đồng thuận của người đại diện. Đặc biệt năm nay, quy chế người đại diện mới đã tăng cường phân quyền cho người đại diện nhằm tạo không gian chủ động cho người đại diện trong quản trị điều hành doanh nghiệp.
Tổng công ty xác định công tác người đại diện đóng vai trò quan trọng, song hành cùng sự phát triển của Tổng công ty, vì vậy, thông qua những diễn đàn như Hội nghị Người đại diện, các doanh nghiệp có vốn SCIC có thể chia sẻ, đưa ra ý kiến để trao đổi và kịp thời có những phương án thay đổi tích cực.
Theo SCIC.