Lịch sử phát triển
03:40 PM, Friday, 09/03/2012

Tổng công ty Sông Đà ngày nay là kết tinh của một hành trình xây dựng và phát triển liên tục trong suốt hơn 56 năm xây dựng gắn liền với sự phát triển của đất nước.

          Ngày 01 tháng 6 năm 1961 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 214/TTg về việc thành lập Ban chỉ huy công trường thủy điện Thác Bà; Quyết định này đã trở thành quyết định lịch sử khai sinh ra Tổng công ty, đồng nghĩa với ngành xây dựng thủy điện Việt Nam ra đời. Bắt đầu từ con số không, chỉ với lòng quyết tâm thấm đượm tinh thần yêu nước, đã hình thành một công trường công nghiệp lớn nhất lúc bấy giờ. Hàng ngàn CBCNV đã bất chấp khó khăn, gian khổ, lao động trong điều kiện thủ công thô sơ, nhưng trong trái tim họ vẫn tràn đầy niềm tin để thắp sáng một dòng điện đầu tiên cho Tổ quốc. Nhiều CBCNV đã hy sinh dưới bom đạn Mỹ. Thế hệ tiền bối của Tổng công ty đã để lại tấm gương sáng cho những người đi sau trân trọng về những thành quả, công sức đóng góp vào trang sử vàng của Tổng công ty Sông Đà.

          Thủy điện Thác Bà mãi mãi xứng đáng được lưu danh như một biểu tượng của lòng yêu nước, ý chí kiên cường, tinh thần quả cảm thuộc về những người thợ thủy điện đầu tiên ở Việt Nam. Đó chính là người thợ Sông Đà.

          Khi công trình thủy điện Thác Bà còn chưa hoàn thành, do yêu cầu của đất nước cần nhiều nhà máy, xí nghiệp phục vụ dân sinh và quốc phòng, CBCNV Tổng công ty có mặt kịp thời và đúng lúc tại những miền đất mới. Hàng loạt những công trình ra đời bởi công sức đóng góp và trí tuệ của tập thể CBCNV Tổng công ty ngày ấy giờ đây vẫn đang góp phần đắc lực vào công cuộc đổi mới đất nước; Đó là Nhà máy dệt Minh Phương, Nhà máy giấy Bãi Bằng, đường số 7, sân bay Yên Bái, Nhà máy hóa chất Việt Trì… Mặc dù liên tục bị phân tán, thiệt hại cả tính mạng và tài lực do chiến tranh nhưng Tổng công ty vẫn âm thầm xây dựng và bảo toàn đội ngũ cán bộ, chuyên gia, thợ lành nghề dày dạn kinh nghiệm chuẩn bị cho những công trình lớn hơn.

          Cơ hội đó đến vào năm 1975 khi nước nhà thống nhất, cũng là lúc Đảng và Chính phủ tin cậy giao cho Tổng công ty nhiệm vụ rất nặng nề nhưng vô cùng vinh dự. Đó là: Chinh phục Sông Đà và xây dựng nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á – Công trình thủy điện Hòa Bình.

          Một trang sử mới của Tổng công ty được mở ra ngay trên vùng đất từng được coi là “ma thiêng, nước độc”. Tại công trình thế kỷ này hàng vạn CBCNV, đặc biệt là những người thợ trẻ đã không quản ngày đêm, không quản gian khổ, thời tiết khắc nghiệt, bất chấp mọi hiểm nguy để làm việc với tinh thần “Tất cả vì dòng điện ngày mai cho Tổ quốc”. Đây thực sự là thời kỳ mà mỗi khoảnh khắc sống đều mang trong nó tính sự kiện và giá trị đạo đức. Không thể kể hết những khó khăn chồng chất cũng như những trở ngại không lường mà tập thể CBCNV Tổng công ty Sông Đà phải vượt qua để biến giấc mơ từ nghìn đời của nhân dân thành hiện thực. Cho dù thời gian biến đổi thế nào đi nữa thì công trình thủy điện Hòa Bình vẫn luôn là tượng đài của tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh, là sự hội tụ giữa trí và lực, là kết tinh của khát vọng, trí thông minh, lòng dũng cảm, truyền thống ham học hỏi, cầu thị tiến bộ, được nuôi dưỡng từ cội nguồn văn hóa Việt Nam.

          Đất nước chuyển mình bước sang thời kỳ đổi mới đặt ra trước mắt Tổng công ty những cơ hội và thách thức lớn. Chúng ta vừa phải nhanh chóng thay đổi công tác quản lý, tổ chức sản xuất theo hướng gọn nhẹ, năng động để thích nghi, tồn tại và phát triển trong cơ chế thị trường có sự cạnh tranh gay gắt; đồng thời vừa phải tìm mọi cách bảo toàn nguồn nhân lực quí giá có nguy cơ bị phân tán thời kỳ hậu Sông Đà. Để làm được điều đó Tổng công ty đã thực hiện nhiều phương án phát triển sản xuất tạo công ăn việc làm. Từ việc mở ra các ngành nghề khác nhau như may mặc, sản xuất vật liệu với 2 nhà máy xi măng công suất một nhà máy là 8,2 vạn tấn/ năm, sản xuất bao bì, dịch vụ vận tải, xây dựng dân dụng, xuất khẩu lao động, kể cả tổ chức chăn nuôi… Nỗ lực không mệt mỏi và kịp thời đó dã giúp Tổng công ty vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để củng cố, xây dựng lực lượng bước vào một thời kỳ mới được đánh dấu bằng việc Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ làm tổng thầu xây dựng nhà máy thủy điện Yaly trên Tây Nguyên.

          Yaly không chỉ là vùng đất mới của người thợ Sông Đà. Yaly còn là nơi ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc của Tổng công ty mà người thợ Sông Đà có quyền tự hào. Công trình thủy điện Yaly không chỉ có địa hình, địa chất phức tạp, thời tiết biến động thất thường mà còn ngổn ngang tàn tích của chiến tranh. Những người thợ Sông Đà phải đối mặt với sốt rét, bom mìn, chất độc hóa học và một hạ tầng cơ sở vô cùng nghèo nàn và lạc hậu.

          Một lần nữa người thợ Sông Đà cho thấy bản lĩnh kiên cường và truyền thống đoàn kết vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ giao cho. Cũng tại công trình thủy điện Yaly trên Tây Nguyên, những người thợ Sông Đà đã xây dựng thành công Nhà máy thủy điện Yaly với công suất 720MW mà không phải thuê chuyên gia nước ngoài làm tư vấn, chúng ta đã chứng minh một cách đầy thuyết phục rằng ngành xây dựng thủy điện Việt Nam đã thực sự trưởng thành.

          Sau thủy điện Yaly, Tổng công ty tiếp tục góp phần đánh thức tiềm năng Tây Nguyên và các vùng đất khác trên mọi miền Tổ quốc bằng thế mạnh xây dựng thủy điện thông qua các hình thức đầu tư BO, BOT như thủy điện Cần Đơn, Ry Ninh 2, Nà Nơi, Nậm Mu, Sê San 3A, Nậm Chiến… Mặt khác, với kinh nghiệm xây dựng các công trình thủy điện, Tổng công ty Sông Đà vinh dự được Đảng và Nhà nước giao làm tổng thầu xây lắp các công trình thủy điện Sê San 3, Sê San 4, Pleikrông, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Sơn La, Huội Quảng, Lai Châu … Đồng thời, Tổng công ty còn mạnh dạn đầu tư các dự án thủy điện lớn tại nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào như Xekaman 3 công suất 250MW, thủy điện Xekaman 1 công suất 322MW. Đây là bước đi đột phá nhằm tạo nên thế mạnh của Tổng công ty Sông Đà.

          Đối với các công trình giao thông, Tổng công ty Sông Đà đã đảm nhận thi công các công trình: Đường Hồ Chí Minh, Hầm đường bộ qua Đèo ngang, Hầm đường bộ qua đèo Hải Vân… Tại công trình hầm đường bộ qua đèo Hải Vân, những người thợ Sông Đà tiếp tục khẳng định phẩm chất đặc biệt của mình. Đây là một công trình cực kỳ phức tạp về mặt kỹ thuật, xử lý địa chất. Nhiều chuyên gia, nhà thầu nước ngoài từng bỏ cuộc trước những sự cố địa chất ít gặp ngay cả trong thi công hầm trên thế giới. Nhưng với tinh thần sáng tạo và bản lĩnh kiên cường, không khuất phục trước khó khăn đã trở thành truyền thống, người thợ Sông Đà nhanh chóng tìm ra phương án khắc phục sự cố, vừa đảm bảo tiến độ thi công và mang lại kết quả kinh tế cao, tiết kiệm cho Nhà nước hàng chục tỉ đồng. Thành công của người thợ Sông Đà trên công trình hầm Hải Vân đã được Chủ đầu tư và các chuyên gia tư vấn nước ngoài đánh giá rất cao và thán phục.

          Như vậy, với công nghệ đào hầm tiên tiến, cộng với kinh nghiệm và trí thông minh người thợ Sông Đà đã làm nên một kỳ tích chinh phục “Đệ nhất ải quan”. Đồng thời cũng tại công trình hầm Hải Vân, một lần nữa đã minh chứng thêm sức mạnh của đội ngũ thợ Sông Đà thời đại mới.

          Chúng ta tự hào về những thành tựu đạt được. Nhưng để tồn tại và phát triển chúng ta không được tự kiêu, thỏa mãn với chính mình mà phải ra sức phấn đấu không ngừng để tiến lên. Tổng công ty đã rút ra bài học sâu sắc đó và sẽ không có sự lựa chọn nào khác là phải thay đổi cách làm, cách nghĩ. Điều đó đã được thực hiện và đang cho thấy tính đúng đắn của nó. Có thể nói rằng, trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển của mình, chưa bao giờ Tổng công ty chủ động phát huy tiềm năng nội tại mạnh mẽ và quyết đoán như giai đoạn hiện nay. Nguồn lực “Sức mạnh – đoàn kết – trí tuệ - sáng tạo” đã và đang được đánh thức để phát huy cao độ tính hiệu quả. Những cải tiến mang tính cách mạng về tổ chức lại sản xuất tạo cho Tổng công ty một vị thế vững chắc hơn, đưa Tổng công ty từ một đơn vị chuyện nhận thầu xây lắp nay thực sự trở thành nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước; có trong tay đội ngũ kỹ sư, cán bộ quản lý, thợ lành nghề, thợ bậc cao vào hàng đầu trong ngành xây dựng, cùng với hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại. Tổng công ty sẵn sàng đảm nhận và thực hiện tốt các nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho. Một thực tế cho thấy 70% sản lượng điện của cả nước hiện nay được cung cấp bởi những nhà máy thủy điện do Tổng công ty Sông Đà xây dựng. Nếu trước đây sản phẩm của Tổng công ty hầu như chỉ có thủy điện thì nay số ngành nghề đã có nhiều lĩnh vực mới, trong đó có nhiều lĩnh vực sản xuất, dịch vụ hoàn toàn mới như công trình giao thông, sân bay, cầu cảng, hợp tác lao động quốc tế… nâng cao tỉ trọng trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Tổng công ty. Đặc biệt, cùng với sự phát triển sản xuất, lực lượng tư vấn của Tổng công ty ngày một trưởng thành, đủ sức đảm đương các dịch vụ tư vấn cho các dự án thủy điện, dân dụng và công nghiệp từ khâu khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật đến thiết kế bản vẽ thi công, giám sát thi công…

          Với hơn 57 năm, thời gian đã ghi nhận những phát triển vượt bậc của Tổng công ty Sông Đà. Từ một tập thể nhỏ bé, thụ động; ngày mới thành lập vẻn vẹn chỉ gồm 3 kỹ sư thủy lợi, 30 kỹ thuật viên trình độ trung cấp, 40 kỹ thuật viên sơ cấp, 1 chuyên gia địa chất, 1 trắc đạc và mấy trăm công nhân lao động… Nhưng ngày nay Tổng công ty Sông Đà đã thực sự lớn mạnh kể cả lượng và chất. Hiện nay Tổng công ty có đội ngũ CBCNV với gần 15 nghìn người trong đó có gần 3000 kỹ sư, cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm và trình độ cao. Từ một cơ ngơi gần như không có gì thời kỳ “hậu Sông Đà”, chỉ sau hơn 10 năm Tổng công ty đã trở thành một trong những đơn vị hàng đầu trong ngành xây dựng, có doanh thu hàng năm từ 20.000 – 30.000 tỉ đồng, có tốc độ tăng trưởng trung bình đạt từ 25 – 35%/năm. Thu nhập của CBCNV trong Tổng công ty không ngừng được cải thiện, hệ thống phúc lợi xã hội như bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí, an ninh, giáo dục, đầu tư chiều sâu cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được đầu tư thích đáng và hiệu quả.

          Ngày nay, nhắc đến truyền thống vẻ vang của Tổng công ty Sông Đà trước hết phải nói đến nét truyền thống đặc trưng cơ bản, đó là:

          - Truyền thống lao động dũng cảm, cần cù, thông minh và sáng tạo.

          - Truyền thống trung thực, đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động của mọi tập thể và cá nhân trong từng đơn vị và toàn Tổng công ty. Đây là nguồn gốc cơ bản để tạo nên sức mạnh của Tổng công ty qua nhiều thế hệ.

          - Truyền thống vẻ vang về tình cảm và sự quan tâm sâu sắc, sự tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau, giữa tập thể và cá nhân, giữa mọi CBCNV của Tổng công ty Sông Đà qua nhiều thế hệ, giữa Tổng công ty Sông Đà với đồng đội và nhân dân các địa phương trong cả nước.

          - Truyền thống thi đua yêu nước luôn vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

          - Truyền thống say mê học tập, nghiên cứu, không ngừng vươn lên, nâng cao trình độ về mọi mặt, làm chủ mọi công nghệ, thiết bị tiên tiến.

          Truyền thống đó còn là sự ghi nhớ, lòng biết ơn với những người vì Tổ quốc, vì sự nghiệp xây dựng đã anh dũng hy sinh. Trên thực tế trong nhiều năm qua, Tổng công ty đã góp phần chia sẻ khó khăn đối với nhiều địa phương bằng những việc làm thiết thực như xây dựng trường học tặng con em đồng bào dân tộc các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Gia Lai, Kon Tum… Đồng thời lập quỹ Sông Đà. Ngoài ra Tổng công ty nhận phụng dưỡng suốt đời 10 bà mẹ Việt Nam anh hùng.

          Với bề dày của hơn 57 năm lao động không mệt mỏi của nhiều thế hệ, giờ đây, Tổng công ty Sông Đà có thể tự hào với Bảng vàng thành tích của mình, được ghi nhận bởi những phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và nhân dân trao tặng.

          Nhưng vinh dự luôn đi kèm với trách nhiệm, vinh dự càng lớn thì trách nhiệm càng nặng nề bởi giờ đây nhiệm vụ và thách thức đòi hỏi CBCNV Tổng công ty Sông Đà phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa. Đó vừa là quy luật tất yếu của sự phát triển đồng thời cũng là danh dự, phẩm giá của mỗi Tập thể, cá nhân. Vì vậy những người thợ Sông Đà phải nhận thức sâu sắc trong mọi suy nghĩ và hành động của mình để góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, vì sự phồn vinh của Tổ quốc Việt Nam giàu đẹp.

Tin tức khác
Khách hàng đối tác
Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam
Ngân hàng TMCP Quân đội
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam
Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam
Tổng công ty điện TKV
Samsung C&T Corporation
ANDRITZ HYDRO GmbH
Liên kết website