Chuyển đổi số lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc: Tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu và áp dụng GIS
09:30 AM, Wednesday, 11/10/2023

(Xây dựng) – Chuyển đổi số là một nhiệm vụ tất yếu đối với lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc để thay đổi toàn diện chất lượng quy hoạch – kiến trúc, qua đó góp phần phát triển ngành Xây dựng tiên tiến, hiện đại và bền vững.

Chuyển đổi số lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc: Tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu và áp dụng GIS
Chuyển đổi số là một nhiệm vụ tất yếu của ngành Xây dựng và lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc (Ảnh: Internet).

Chuyển đổi số là nhiệm vụ tất yếu

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định phương hướng “Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số với nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, gắn kết hài hòa, hiệu quả thị trường trong nước quốc tế”.

Tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến ngày 31/07/2020, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1004/QĐ-BXD về việc phê duyệt “Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020 -2025, định hướng đến năm 2030”. Một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch là xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng, số hóa các dự án quy hoạch để quản lý và công khai trên cổng thông tin của Bộ.

Bên cạnh đó, “Định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” cũng xác định mục tiêu thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực kiến trúc. Đến năm 2030 sẽ hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu kiến trúc quốc gia và số hóa các công trình kiến trúc có giá trị.

Như vậy, có thể nói chuyển đổi số là một nhiệm vụ tất yếu đối với ngành Xây dựng nói chung và lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc nói riêng. Đó không chỉ là là nhiệm vụ chính trị mà còn là yêu cầu hết sức cấp thiết để phát triển ngành Xây dựng tiên tiến, hiện đại và bền vững.

Đảm bảo quản lý thống nhất toàn quốc về cơ sở dữ liệu quy hoạch – kiến trúc

Thực hiện “Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030” của Bộ Xây dựng, Vụ Quy hoạch – Kiến trúc và các đơn vị liên quan đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng; Số hóa các đồ án quy hoạch để quản lý và công khai trên Cổng thông tin của Bộ Xây dựng; Tăng cường ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công khai thông tin quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Chuyển đổi số lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc: Tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu và áp dụng GIS
Cổng Thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam đã công khai hàng nghìn quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị trên cả nước (Ảnh chụp màn hình).

Ông Hồ Chí Quang - Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc (Bộ Xây dựng) cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 83/2019/QH14 ngày 14/06/2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 01/03/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ xây dựng Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Vụ Quy hoạch – Kiến trúc đã phối hợp với Trung tâm thông tin triển khai thực hiện nhiệm vụ. Cuối năm 2019, Cổng Thông tin quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị Việt Nam tại địa chỉ http://quyhoach.xaydung.gov.vn đã đi vào hoạt động và tính đến nay đã công khai hàng nghìn quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị trên khắp cả nước.

Nhiều địa phương đã thực hiện cập nhật, đăng tải các quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị lên Cổng thông tin để lưu giữ hồ sơ quy hoạch, làm công cụ quản lý và công khai quy hoạch, đồng thời đáp ứng yêu cầu tra cứu thông tin của người dân và doanh nghiệp. Đồ án quy hoạch đăng tải phải đảm bảo tính pháp lý và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thực sự quan tâm cung cấp thông tin theo yêu cầu, hoặc cung cấp chưa đầy đủ hồ sơ, chất lượng hình ảnh một số đồ án đăng tải thấp và chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ tra cứu thông tin.

Mặt khác, nhiều địa phương đang thực hiện việc công khai thông tin quy hoạch với hệ thống cơ sở dữ liệu riêng như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh… với công nghệ chuyển đổi số hiện đại. Người dân chỉ cần cung cấp chính xác địa điểm, ranh giới mảnh đất là sẽ nhận được đầy đủ các thông tin cần thiết.

Việc đăng tải lên Cổng thông tin điện tử quốc gia về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo quản lý thống nhất toàn quốc về cơ sở dữ liệu quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất của các địa phương. Để khắc phục tình trạng này, trong thời gian tới Bộ Xây dựng sẽ ban hành văn bản đôn đốc, đẩy mạnh việc công khai quy hoạch nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân, tổ chức; đảm bảo công khai, minh bạch.

Vừa qua, Bộ đã xây dựng dự thảo Nghị định về cơ sở dữ liệu quốc gia ngành Xây dựng, trong đó có dữ liệu về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Sau khi Thủ tướng phê duyệt thì sẽ có cơ sở pháp lý để các địa phương triển khai thực hiện.

Chuyển đổi số lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc: Tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu và áp dụng GIS
Việc công khai quy hoạch sẽ đảm bảo quyền lợi của người dân, tổ chức; đảm bảo công khai, minh bạch (Ảnh: Hải Nguyên).

Đối với nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu về kiến trúc, tại Định hướng phát triển Kiến trúc Việt Nam đến năm 2030 đã xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện là rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật phát sinh trong các lĩnh vực kiến trúc nhằm đáp ứng các yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong tiến trình chuyển đổi số.

Ngành Xây dựng cần phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu; tổ chức xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu Big data nền tảng dữ liệu cho kiến trúc Việt Nam và được kết nối mạng Internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước; mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp theo quy định an toàn thông tin Quốc gia.

Triển khai thực hiện các nội dung này, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, giao nhiệm vụ cho Viện Kiến trúc Quốc gia xây dựng Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyển đổi số trong lĩnh vực kiến trúc.

Tăng cường ứng dụng GIS trong quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị

Cũng theo Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Xây dựng giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030, Vụ Quy hoạch Kiến trúc sẽ chủ trì, phối hợp cùng Trung tâm thông tin và Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia (VIUP) tăng cường ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.

Chuyển đổi số lĩnh vực quy hoạch – kiến trúc: Tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu và áp dụng GIS
Một số địa phương như Bình Dương đã khởi tạo thành công hệ thống GIS để phục vụ người dân, cơ quan và doanh nghiệp tra cứu thông tin (Ảnh chụp màn hình).

Hệ thống GIS là công cụ được xây dựng để quản lý các cơ sở dữ liệu đô thị theo dạng các lớp bản đồ (quy hoạch xây dựng, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở…) được tích hợp trên nền dữ liệu địa lý quốc gia trong hệ quy chiếu và hệ tọa độ quốc gia. Hệ thống này sẽ cho phép hiển thị các lớp thông tin được sàng lọc, phân tích, tổng hợp và tính toán theo yêu cầu của người sử dụng. Việc thiết lập Hệ thống GIS là nền tảng căn bản cung cấp cơ sở dữ liệu để triển khai thực hiện quy hoạch, quản lý điều hành đô thị thông minh và tích hợp các tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trong những năm qua, một số tỉnh, thành phố tại Việt Nam đã triển khai xây dựng Hệ thống GIS và đạt được các kết quả đáng khích lệ như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh…

Hiện nay, Bộ Xây dưng đang đôn đốc, hướng dẫn các địa phương nghiên cứu triển khai hệ thống GIS. Trong năm 2022, Bộ đã kịp thời ban hành “Hướng dẫn tổ chức thiết lập Hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ phát triển đô thị thông minh”.

Việc đầu tư ứng dựng hệ thống GIS sẽ mang đến nhiều lợi ích cho chính quyền, doanh nghiệp và người dân trong việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý, quản trị đô thị; cung cấp, chia sẻ thông tin quản lý đến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân có nhu cầu sử dụng; tạo nền tảng để các doanh nghiệp có thể phát triển ứng dụng quản lý, cung cấp dịch vụ; tạo môi trường tương tác, kết nối giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp.

Chính vì thế, Bộ Xây dựng cần phải quyết liệt thúc đẩy việc chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành Xây dựng, tạo tiền đề ứng dụng hệ thống GIS trong quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, từ đó thay đổi toàn diện chất lượng quy hoạch – kiến trúc ở Việt Nam.

Theo Báo Xây dựng./

Tin tức khác
Khách hàng đối tác
Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam
Ngân hàng TMCP Quân đội
Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam
Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam
Tập đoàn dầu khí Quốc gia Việt Nam
Tổng công ty điện TKV
Samsung C&T Corporation
ANDRITZ HYDRO GmbH
Liên kết website